Quốc gia này đang tìm cách tăng chi tiêu và cân nhắc các biện pháp mới để kích thích ngân hàng cho vay.
Bloomberg trích lời một nguồn tin thân cận cho biết Trung Quốc đang tìm cách cấp vốn nhiều hơn cho các chính quyền địa phương, để phục vụ các dự án cơ sở hạ tầng mới. Bên cạnh đó, họ cũng đang thảo luận về việc hạ tỷ lệ trích lập dự phòng nợ xấu tối thiểu cho các ngân hàng, giúp nhà băng có thêm tiền cho vay.
Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết các nhà hoạch định chính sách “vẫn còn rất nhiều công cụ” để chống suy giảm tại nền kinh tế lớn nhì thế giới. Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) – Zhou Xiaochuan bày tỏ sự tự tin vào đồng NDT.
“Giới chức đang nỗ lực ngăn tăng trưởng giảm mạnh hơn nữa. Vì việc này có thể dẫn đến hạ cánh cứng. Những biện pháp mới sẽ nhằm mục đích tăng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng và tăng chi của Chính phủ cho cơ sở hạ tầng”, Rajiv Biswas – kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại IHS Global Insight cho biết.
Trung Quốc muốn duy trì tăng trưởng ít nhất 6,5% một năm cho đến năm 2020. Đến kỳ họp Quốc hội vào tháng tới, nước này sẽ đề ra kế hoạch kinh tế 5 năm mới.
Zhao Yang – kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Nomura Holdings nhận xét: “Trung Quốc có quá nhiều thách thức. Tôi tin rằng họ sẽ cần nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa để đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay, khoảng 6,5-7%. Tất cả ngân hàng trung ương lớn đều đang nới lỏng khi kinh tế toàn cầu yếu đi. Thế nên, Trung Quốc không thể thắt chặt được”.
Quý trước, Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6,8%, chậm nhất từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Việc này diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động và NDT đột ngột mất giá khiến nhà đầu tư hoảng loạn.
Từ tháng 11/2014, PBOC đã 6 lần hạ lãi suất và áp dụng nhiều biện pháp khác để thúc ngân hàng cho vay. Số liệu hôm qua cho thấy tín dụng tháng 1 tại nước này tăng vọt lên 3.420 tỷ NDT (525 tỷ USD). Giới quan sát cho rằng đây là tín hiệu các nhà băng quốc doanh đang được chỉ đạo tăng cho vay, dù giới chức vẫn thường xuyên cam kết sẽ kìm hãm khối nợ đang phình to.
Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng cao nhất thập kỷ cũng đang khiến lợi nhuận của họ bị ảnh hưởng. Việc này đã khiến nhiều nhà băng thúc giục giới chức hạ tỷ lệ trích lập dự phòng nợ xấu, để họ cho vay nhiều hơn, từ đó thúc đẩy nền kinh tế.
Ngoài khuyến khích cho vay, Ủy ban Cải tổ và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cũng đang lên kế hoạch cung cấp 400 tỷ NDT quý này, theo một chương trình trái phiếu đặc biệt, để các địa phương có vốn cho dự án cơ sở hạ tầng. Năm ngoái, họ cũng đã tung ra 800 tỷ NDT dưới dạng trái phiếu.
“Giới chức dường như rất cương quyết trong việc kéo nền kinh tế tăng trưởng trên mốc 6,5%. Dù rất nhiều người sợ viễn cảnh Trung Quốc hạ cánh cứng năm nay, năm sau, Trung Quốc có thể sẽ có một cuộc chuyển giao quyền lực. Vì vậy, các lãnh đạo cấp cao phải cố hết sức để duy trì môi trường ổn định”, Larry Hu – kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Macquarie Securities kết luận.