Cảnh báo lạm phát mới từ chuỗi cung ứng
Các nhà quản lý logistics cảnh báo tình trạng lạm phát kéo dài trong chuỗi cung ứng và người tiêu dùng nên sẵn sàng ứng phó với những tác động.
Trong khi lạm phát chuỗi cung ứng hàng hóa đã giảm mạnh, các chuyên gia vẫn dự báo áp lực còn tăng, khi cầu vượt cung vào năm 2023. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự mất cân đối giữa cung và cầu kho bãi do thiếu cơ sở hạ tầng.
“Lượng kho bãi vẫn còn ít và tiếp tục khan hiếm trong tương lai gần, do hoạt động xây dựng công nghiệp nước Mỹ bắt đầu giảm do lãi suất tăng”, ông Chris Huwaldt, Phó Chủ tịch WarehouseQuote cho biết.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện tập trung hơn vào các vấn đề lạm phát dịch vụ, đặc biệt là giá lao động vì dự đoán áp lực lạm phát hàng hóa sẽ giảm. “Chúng ta đang thấy quá trình lạm phát bị đảo ngược ở một số hàng hóa. Vì vậy, khó có thể đoán trước điều gì”, ông Mohamed El-Erian, cố vấn kinh tế trưởng của Allianz, chia sẻ trên CNBC.
Một số nhà bán lẻ phải lưu kho hàng hóa và chịu phí vận chuyển cho người tiêu dùng. Trong khi đó, tình trạng các container phải neo đậu ngoài cảng khiến tốn kém chi phí, tổn thất cho cả nhà kho và nhà bán lẻ.
Chuyên gia cũng dự đoán phí vận chuyển sẽ tăng mạnh trong giữa năm nay. Nhiều doanh nghiệp nhỏ – chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế nước Mỹ là những doanh nghiệp được hưởng lợi cuối cùng từ việc giảm phí trong chuỗi cung ứng.
ITS Logistics khuyên khách hàng nên xem xét các dịch vụ lưu trữ ngắn hạn, lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba hoặc các hoạt động nền tảng để giảm chi phí. Trong khi đó, lạm phát và lãi suất cao đang thúc đẩy các nhà lãnh đạo chuỗi cung ứng phải nghiêm túc đối với các khoản đầu tư vốn lưu động vào hàng tồn kho, hoạt động dự báo nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp cũng đang xem xét, quản lý chi phí hoạt động logistics kỹ lưỡng hơn, bao gồm đầu tư vào con người, công nghệ, kho bãi và vận chuyển.
Ngược lại, xây dựng là ngành không được hưởng lợi từ lạm phát trong chuỗi cung ứng. Ông Phillip Ross, trưởng nhóm kế toán và kiểm toán Anchin cho biết, lạm phát chuỗi cung ứng khiến các công ty gặp khó khăn hơn trong việc quản lý thời gian hoàn thành dự án.
“Xây dựng là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất Mỹ, bị ảnh hưởng đặc biệt bởi chuỗi cung ứng, khiến các công ty xây dựng hoạt động chậm trễ và giá nguyên vật liệu tăng cao”, ông Ross nói.
Theo ông Jim Monkmeyer, Chủ tịch bộ phận vận tải của DHL Supply Chain, một số yếu tố gây ra lạm phát bắt nguồn từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến Covid-19. Thậm chí, nếu tốc độ lạm phát chậm lại, giá tiêu dùng cao dự kiến vẫn sẽ duy trì vì nhiều lý do khác.
Ông Steve Lamar, CEO Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ chia sẻ trên CNBC, các chủ hàng cũng đang gặp khó khăn hơn trong việc bù đắp chi phí phát sinh do cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. “Những mức thuế này đang chạm mốc 170 tỷ USD và được tính vào giá vốn hàng hóa. Do đó, giá sẽ cao hơn khi đăng ký. Thuế quan còn khiến các công ty khó xử lý các chi phí lạm phát khác”, ông Lamar phân tích.