Target đầu tư 100 triệu USD xây chuỗi trung tâm logistics
“Ông lớn” ngành bán lẻ Mỹ dự kiến xây mạng lưới ít nhất 15 trung tâm phân loại logistics, rút ngắn thời gian giao nhận, gia tăng việc làm.
Target kỳ vọng mạng lưới các trung tâm logistics sẽ giúp khâu phân loại hàng hóa diễn ra nhanh chóng, thuận lợi hơn. Đồng thời, các điểm mới xây cũng góp phần cắt giảm chi phí giao đơn đặt hàng trực tuyến, tạo thêm việc làm cho người dân bản địa. Trung bình cứ mỗi trung tâm đi vào hoạt động sẽ giúp cung cấp thêm 100 việc làm.
Nhà bán lẻ có kế hoạch từ nay đến cuối tháng 1/2026 mở ít nhất 15 cơ sở phân loại mới. Trước đó, Target đã mở 9 cơ sở ở nhiều bang khác nhau. Kết quả thử nghiệm mô hình chia chọn công nghệ cao ở Minneapolis (Mỹ) trước đó cũng cho thấy hiệu quả rút ngắn thời gian giao nhận.
Những năm gần đây, Target vẫn luôn gắn liền với mô hình mỗi cửa hàng đều là trung tâm phân loại hàng hóa. Đơn vị đã tái cơ cấu khoảng 1.950 cửa hàng của mình thành các nhà kho nhỏ. Nhân viên sẽ nhận order và tự đóng gói phần lớn các đơn đặt hàng trực tuyến của công ty.
Tuy nhiên, khi doanh số bán hàng trực tuyến tăng lên. Sức chứa và công suất xử lý tại các điểm kinh doanh nhỏ lẻ của Target không đủ đáp ứng. Đơn vị buộc phải thử nghiệm với các trung tâm phân loại.
Trung bình mỗi cơ sở tiếp nhận đơn hàng của 30-40 cửa hàng trong phạm vi lân cận. Mỗi đơn hàng sẽ được phân loại thành từng nhóm, chia cho các công ty chuyển phát nhanh vận chuyển để có tuyến giao hàng hiệu quả, tiết kiệm thời gian.
Bà Gretchen McCarthy, Giám đốc logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu của Target cho biết bằng cách chuyển sang mô hình này, Target đã giải phóng không gian kho cho các cửa hàng bán lẻ và giảm bớt lượng công việc cho nhân viên tại đó. Theo bà, từ khi áp dụng mô hình logistics này, công ty đã tiết kiệm hàng chục triệu USD chi phí cho việc giao vận. Trong năm tới, Target dự kiến sẽ tăng số đơn hàng giao vận bằng hình thức này từ 26 triệu (năm 2022) lên 50 triệu bưu kiện.
Cùng thời điểm Target công bố đầu tư vào logistics, đối thủ bán lẻ Walmart và Home Depot lại đưa ra dự báo về một năm 2023 nhiều khó khăn hơn. Sau đỉnh bùng nổ doanh số bán hàng do đại dịch lại đến gánh nặng lạm phát.
Walmart cho biết họ dự kiến doanh số bán hàng tại cùng một cửa hàng ở Mỹ sẽ tăng 2% hoặc 2,5%, không bao gồm nhiên liệu, trong năm tài chính. Còn Home Depot lại dự đoán mức tăng trưởng doanh thu trong năm tài chính này sẽ không có nhiều thay đổi.
Giám đốc logistics Target cho rằng bất kể bối cảnh kinh tế thế nào, công ty vẫn phải theo kịp kỳ vọng của khách hàng. Cụ thể là phải tạo điều kiện để họ tiếp tục mua hàng trực tuyến thuận tiện và nhanh chóng hơn.
Theo McCarthy, Target vẫn liên tục theo dõi và khảo sát chặt chẽ mức chi tiêu của người dùng, sau đó phân tích để tìm ra các xu hướng gần đây. Mạng lưới các trung tâm giao hàng sẽ giúp Target đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt hơn bất kể họ mua trực tuyến, tại cửa hàng hay sử dụng dịch vụ pick-up tại các điểm nhận hàng ven đường.
“Hệ thống giao nhận hiện tại của chúng tôi ghi nhận có tới 40% gói hàng đi qua các trung tâm phân loại và giao tận tay khách vào hôm sau. Tuy nhiên nhiêu đó vẫn chưa đủ, chúng tôi đặt mục tiêu vượt qua mức đó và phải cao hơn nhiều”, bà Gretchen McCarthy chia sẻ.